Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng với chủ đề chính là về biến đổi khí hậu, đại dương và năng lượng sạch. Ước tính công suất tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm với số giờ nắng bình quân từ 2.500 - 3.000 giờ ở nhiệt độ trên 21 độ C. Bên cạnh năng lượng gió và mặt trời, Việt Nam còn là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học. Với những tiềm năng to lớn này, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch.
Dự kiến, công nghệ mới tái tạo năng lượng sạch sẽ sớm được triển khai tại một số địa phương trong thời gian tới.Ví dụ như tại tỉnh Hà Nam.
Sáng 13/5, Nhà máy Cơ khí chế tạo thiết bị môi trường đã trình diễn tại tỉnh Hà Nam công nghệ mới tái tạo năng lượng sạch. Công nghệ mới này sẽ chuyển hóa rác thải thành năng lượng điện để phát điện hòa vào điện lưới.
Không cần phân loại, rác đầu vào được cắt nhỏ, chuyển lên băng chuyền. Tại đây, các hệ thống tự động sẽ tách riêng rác vô cơ và rác hữu cơ. Rác hữu cơ mô mềm và nước được chuyển tự động theo đường ống dẫn xuống hầm sinh học để sản xuất khí metan, phần hỗn hợp xơ bã còn lại sẽ được sấy giảm ẩm, sau đó ép thành viên đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí gas tổng hợp. Nguồn năng lượng xanh này được sử dụng để phát điện cho toàn bộ hoạt động của nhà máy cũng như hòa vào lưới điện quốc gia.
Quy trình tái chế rác này không sinh ra khí thải, chất thải độc hại cho môi trường, thậm chí còn tạo ra được một loại phân bón carbon hữu cơ tốt cho cây trồng. Toàn bộ dây chuyền công nghệ này đều do các kỹ sư Việt Nam chế tạo.